Hôm trước, chị họ học lớp 6 của Nấm giận dữ, giận lây sang Nấm, mắng Nấm, và Nấm khóc, Nấm chạy đi tìm mẹ kể lể, phân trần. Hôm nay, em họ của Nấm làm Nấm giận dữ, và Nấm giận lây sang mẹ, Nấm đã mắng mẹ. Vì vậy hnay mẹ thử ngồi lan man 1 tí về sự giận dữ, xem có tìm được sự đồng cảm từ những mẹ khác không nha.

Có thể thấy, cái sự giận dữ này cũng giống kiểu virus í, nó lây cảm xúc tiêu cực từ người này sang người khác trong khoảng thời gian rất ngắn. Và việc người lớn cần làm, là khống chế sự giận dữ của mình và dạy trẻ con cách khống chế.

Trẻ có được quyền giận dữ hay không?
Làm gì khi trẻ tức giận
Trẻ có được quyền giận dữ hay không?

Đương nhiên là có chứ. Giận dữ đâu phải là đặc quyền của người lớn. Người lớn đi làm gặp áp lực thì em bé đi học cũng gặp áp lực ( cô giáo khó tính, bài tập khó làm mãi không được, bạn bè trêu chọc v.v…). Người lớn gặp áp lực khi ở nhà ( việc nhà nhiều mãi làm không hết, ông bà nội ngoại nhiều ý kiến v.v….) thì trẻ em ở nhà cũng vậy (anh trai suốt ngày kêu mình béo, thằng em hơi tí tranh giành đồ của chị, bài tập nhiều làm không hết v.v…).

Người lớn nhìn vào cứ bảo: Có thế thôi mà cũng tức giận được. Nhưng trong lăng kính của trẻ, việc bị cướp cái kẹo, cướp cái bút v.v… là những việc vô cùng to tát. Cả thế giới của chúng chỉ có từng đấy thứ thôi mà, có phức tạp như thế giới của người lớn đâu. Vì vậy, mong người lớn hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu chúng, và cho chúng quyền được tức giận. Trẻ tức giận không phải là hư, đấy là chúng đang biểu thị 1 trạng thái cảm xúc ra ngoài thôi.

Trẻ sẽ hét, sẽ khóc, sẽ ăn vạ, có khi sẽ đánh lại người làm nó tức. Đứa trẻ nào lớn hơn, nó sẽ biết cãi lại bố mẹ, nếu bố mẹ làm nó tức giận. Tất cả những cái đó, cá nhân mình thấy bình thường. Sự việc chỉ bất bình thường, khi đứa trẻ vô cớ hét, vô cớ khóc, vô cớ đánh người, vô cớ cãi nhau với người lớn.

Vì vậy, khi con tức giận, mong người lớn hãy tôn trọng cảm xúc của con.

Làm gì khi trẻ tức giận

Điều đầu tiên là người lớn phải bình tĩnh, cực kì bình tĩnh. Nếu người lớn lúc này cũng tức giận thì hỏng hết. Mình là người lớn, mình biết cách điều khiển cảm xúc. Còn bọn chúng chỉ là những đứa trẻ đang muốn bày tỏ cảm xúc của mình.

Điều thứ hai: hãy tách trẻ ra khỏi tác nhân gây tức giận cho nó. Nếu trẻ tức giận vì không làm được bài tập, hãy bảo trẻ nghỉ ngơi 1 chút. Nếu trẻ tức giận vì vẽ mãi không đúng như trong sách, hãy bảo bé chơi trò khác 1 lát. Nếu trẻ tức giận vì bị bạn khác bắt nạt, thậm chí đang đánh lại bạn, hãy tách trẻ ra khỏi bạn kia.

Điều thứ ba: Tách trẻ ra rồi thì đừng mắng trẻ theo hướng tiêu cực. Đừng mắng con là: đến lớp học cái gì mà sao về nhà không biết làm bài? Hoặc: Con hư thế, sao lại đánh bạn v.v… Trẻ tức giận đều có lí do, và chúng thấy lí do đấy hợp lý. Nếu người lớn mắng theo hướng tiêu cực, trẻ nhỏ chưa biết cãi lại sẽ thấy ấm ức vì không được thấu hiểu; trẻ lớn hơn thì thấy vô lí, cãi lại bố mẹ. Và thế là cái vòng luẩn quẩn của sự tức giận sẽ có cơ hội diễn ra, bố mẹ thấy con cãi lại thì càng tức giận, càng mắng con. Con thấy bố mẹ mắng vô lí thì càng cãi. Và cho dù câu chuyện có diễn ra như thế nào chăng nữa, đứa trẻ trong câu chuyện lớn hay nhỏ đi chăng nữa, thì chỉ có 1 sự kết thúc: đấy là đứa trẻ thấy ấm ức, thấy không được thấu hiểu, thấy vô lí, thấy không được yêu thương v.v….

Điều thứ tư: Người lớn hãy bình tĩnh và hỏi lí do sao con tức giận. Cố gắng động viên con nói ra lí do, và cho dù cái lí do có vô lí như thế nào đi nữa, hãy cố gắng nghe hết con nói. Khi con nói hết lí do, nó cũng bớt tức đi phần nào. Bố mẹ hãy tỏ ra cảm thông với con, lúc này trẻ sẽ bớt tức đi thêm tí nữa. Và sau đó bố mẹ hãy phân tích lỗi sai của con.

Bước này rất khó khăn, vì nhiều khi trẻ khăng khăng là nó đúng, bố mẹ sẽ rất dễ nổi giận ở đây, có khi ở bước này, cả nhà lại cãi nhau thêm lần nữa í chứ :))) Nhưng bố mẹ hãy bình tĩnh và thuyết phục con. Còn nếu không thuyết phục được con, thì hãy thoả hiệp, kiểu: “Con có cách giải quyết của con, nhưng lần sau, nếu bị như vậy, con thử làm theo cách bố/mẹ  bảo xem có hiệu quả hơn không nhé. Nếu hiệu quả hơn cách của con, thì lần sau trở đi hãy làm theo cách của bố mẹ nhé”.

Cá nhân mình thấy bước thứ 4 vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ. Thực hiện được bước này, trẻ sẽ thấy được bố mẹ cảm thông, được quan tâm. Và nó chính là cầu nối giữa con và bố mẹ.

Khi viết đến dòng này, mình cảm thấy hơi buồn, vì mình biết, trong rất nhiều gia đình ở xã hội hiện đại bây giờ, trẻ em cô đơn trong chính căn nhà của mình. Chúng không được bố mẹ chăm sóc về mặt cảm xúc. Bố mẹ cho rằng chỉ cần cho con mình được ăn, được đi học, được mặc, thi thoảng nghỉ hè được đi chơi đâu đó … là được. Nhưng trẻ con, cần nhất là được quan tâm hàng ngày. Chắc chắn nó sẽ nhớ những buổi tâm sự cùng mẹ, những lần chơi đùa với bố, hơn là việc được ở khách sạn mấy sao, ăn ở nhà hàng sang thế nào ..

“Yêu cho roi cho vọt” … Thiết nghĩ, câu nói này đã không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại nữa rồi. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *