89789539_1161718254188299_2602499144832516096_o

Tưởng không liên quan mà lại liên quan không tưởng.

Khi có dịch bệnh, thiên tai, những thứ mà con người hay nghĩ đến đầu tiên là ngành Y tế sẽ có những biện pháp nào, Kinh tế bị ảnh hưởng như thế nào, cục diện Xã hội từ đó cũng sẽ thay đổi ra sao. Điều đó hoàn toàn đúng.

Nhưng có một ngành tưởng là rất nhỏ, nhưng lại đóng góp 1 phần rất lớn trong công cuộc phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, cũng như loại trừ dịch bệnh, đó chính là NGÔN NGỮ.

Lý do tại sao ư? Rất đơn giản, bởi NGÔN NGỮ LÀ THỨ DÙNG ĐỂ KẾT NỐI TẤT CẢ CÁC YẾU TỐ XÃ HỘI VỚI NHAU, từ việc kết nối người với người, tới việc kết nối các lĩnh vực …

Thử tưởng tượng nếu không có ngôn ngữ, thì bác sỹ và bệnh nhân sẽ kết nối thế nào? Chính phủ sẽ truyền chỉ thị tới Bộ Y tế và các Bộ ban ngành liên quan như thế nào?

Còn nhớ thảm họa động đất Tứ Xuyên năm 2008. Đó là trận động đất lớn thứ hai trong lịch sử Trung Quốc (sau trận động đất Đường Sơn), đã làm thiệt mạng gần 70 nghìn người.

Trung Quốc – rất nhanh chóng sau động đất – đã triển khai các công tác cứu nạn và chữa trị cho con người. Nhưng trong quá trình đó, các y bác sỹ và đội ngũ cứu nạn đã gặp không ít khó khăn trong quá trình giao tiếp.

Trung Quốc là đất nước rộng lớn, ngoài tiếng phổ thông là tiếng nói quốc gia, còn rất nhiều phương ngữ, thổ ngữ, tiếng dân tộc v.v… Vị trí xảy ra động đất lại ở phía Tây của Trung Quốc, không phát triển bằng phía Đông, và lượng người biết nói tiếng phổ thông cũng ít hơn.

Người dân không thạo tiếng phổ thông, nhân viên cứu hộ và bác sỹ không thạo tiếng địa phương. Vì vậy, công cuộc cứu hộ đã gặp không ít khó khăn. Rất nhiều trường hợp bởi vì ngôn ngữ mà việc cứu người bị chậm trễ.

Kế thừa kinh nghiệm của năm 2008, cuối 2019 đầu 2020, khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, giới ngôn ngữ học Trung Quốc đã có những phản ứng vô cùng quyết liệt.

Đầu tiên, là thành lập đội phản ứng nhanh Ngôn ngữ, với những Thạc sỹ, Tiến sỹ Ngôn ngữ học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trên khắp Trung Quốc.

Tiếp theo, là ghi âm lại tất cả những biểu ngữ thông báo tuyên truyền về dịch bệnh bằng cả tiếng Phổ thông, phương ngữ Vũ Hán và các phương ngữ của các vùng liên quan, và phát đi rộng rãi trên mạng xã hội. Mục đích: để những người nói phương ngữ khác nhau có thể hiểu, giao tiếp với nhau thuận lợi hơn, giúp quá trình cứu chữa diễn ra nhanh hơn.

Kế đến, do có một lượng lớn người nước ngoài khi đó vẫn lưu lại Trung Quốc, nên đã ghi âm lại tất cả những câu miêu tả dịch bệnh bằng tiếng Trung Quốc và tiếng nước ngoài và phát rộng rãi trên mạng xã hội. Mục đích để những người nước ngoài ở Trung Quốc cho dù không biết tiếng Trung, cũng có thể cơ bản miêu tả được trạng thái bệnh của mình (ho, tức ngực, sốt v.v…) Đến thời điểm hiện tại, đã có 19 ngôn ngữ trên thế giới được thực hiện.

Những hành động quyết liệt này, hiển nhiên đã hỗ trợ rất nhiều đến công tác phòng chống dịch.

Tại Việt Nam, rất vui mừng vì các ban ngành liên quan cũng đã có những áp dụng về ngôn ngữ trong công tác chống dịch của mình.

Tuy nhiên, do bức tranh ngôn ngữ của chúng ta đơn giản hơn Trung Quốc, nên vấn đề tập trung vào 2 nhóm, đó là nhóm Tiếng Phổ thông – Tiếng Dân tộc Thiểu số, và Tiếng Việt – Tiếng Nước ngoài.

Vấn đề này, xin phép được bàn đến ở bài viết khác. Hihi.

Còn lại, xin phép đăng ảnh lấy lại từ báo chí về công tác phòng chống Covid-19 ở khu vực Ninh Thuận.

Biểu ngữ được viết bằng tiếng Phổ thông và tiếng Khmer, thể hiện công tác tuyên truyền quyết liệt của chúng ta.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *