Sau 15 năm giảng dạy, làm việc hàng ngày cùng các bạn sinh viên, mình nghĩ là mình có thể hiểu được phần nào cảm giác của các bạn Gen Z bây giờ.

Đầu tiên phải khẳng định, đa phần Gen Z được bố mẹ tạo điều kiện để có thể học tập và trưởng thành ở điều kiện tốt nhất, nên nhìn chung, mặt bằng của Gen Z rất giỏi.

Các bạn được tiếp xúc với mạng xã hội từ sớm, biết cách khai thác thông tin trên mạng, nên họ biết nhiều hơn bố mẹ, họ cũng nhanh nhạy hơn bố mẹ. Một vài Gen Z đã có thể kiếm rất nhiều tiền ở độ tuổi còn rất trẻ. Chúng ta hay được đọc những bài báo về những người nổi tiếng ở thế hệ Gen Z trên mạng. Nhưng đó không phải tất cả. Chỉ một phần rất nhỏ Gen Z trong toàn bộ hơn 90 triệu người Việt Nam có thể làm như vậy.

Theo như mình quan sát được, đa phần Gen Z hiện nay là những người tương đối yếu về mặt tâm lý và tinh thần, không thích và không chịu được áp lực. Mình nói “đa phần” thôi nhé, vì mình vẫn gặp những Gen Z vô cùng vững vàng, họ còn rắn hơn cả mình.

Họ bị như vậy là do ảnh hưởng của 2 yếu tố chủ yếu.

Thứ nhất: ảnh hưởng từ mặt gia đình.

Không phải bố mẹ nào của Gen Z cũng coi trọng việc theo sát con, hướng dẫn con cách đối mặt với các vấn đề của cuộc sống. Gen X (phụ huynh của Gen Z) là thế hệ sinh ra trước và sau khi đất nước hết chiến tranh. Họ cống hiến hết mình cho việc phát triển kinh tế đất nước. Họ năng động hơn bố mẹ của họ, nhưng nền tư tưởng của họ lại không vững vàng. Họ sống trong thời điểm đất nước mở cửa, là giai đoạn của sự giao hòa giữa mới và cũ, giữa ổn định và thử thách, giữa truyền thống và hiện đại. Nhiều Gen X chú trọng vào những giá trị thị trường và quên đi truyền thống. Nhiều Gen X chú trọng vào kiếm tiền mà quên mất nhiệm vụ theo sát sự trưởng thành của con cái.

Khi Gen Z cảm thấy áp lực, tổn thương, họ tâm sự với bố mẹ. Nhưng kịch bản thường thấy sẽ là Gen X lại nhìn vấn đề theo lăng kính của Gen X, nên họ lại phê bình con, chê con. Họ có góp ý cho con, nhưng thường sự góp ý đó sẽ là hướng con đi theo cái mà họ cho là đúng. Gen Z vì thế lại càng cảm thấy mình rất lạc lõng.

Gia đình là yếu tố rất quan trọng. Những Gen Z “rắn” mà mình gặp hầu hết đều được sự chỉ dạy sát sao từ gia đình. Họ có người hiểu họ, họ tâm sự được với bố mẹ. Và khi tâm lý vững như vậy, họ sẽ không hề chịu ảnh hưởng từ yếu tố thứ hai dưới đây.

Thứ hai: ảnh hưởng từ mạng xã hội.

Do không có sự đồng cảm từ bố mẹ, nên Gen Z sẽ phải dựa vào nhau, và dựa vào mạng xã hội. Ở một góc độ nào đó, đây là cái phao của các em. Các em sẽ gặp được những người có hoàn cảnh tương đối giống mình ở một vài hội nhóm, từ đó tìm được sự an ủi về tinh thần.

Tuy nhiên, chúng ta quá rõ ràng tác hại của mạng xã hội. Những bài viết, những video được đăng trên đó đều phục vụ cho mục đích truyền thông. Những video khoe cuộc sống giàu sang, những chuyến du lịch sang chảnh v.v… mà các bạn xem được trên tiktok đâu phải tự dưng nó có đâu. Không ai làm việc mà họ không đạt được lợi ích cả. Rất tiếc là nhiều Gen Z vẫn dựa vào những video đó để tìm chỗ tựa về tinh thần, từ đó sinh ra nhiều ảo tưởng.

Một ảo tưởng điển hình mà các em đang có, đó là, đi làm phải từ 15 triệu trở lên mới đúng với những gì mình đã được đào tạo ở đại học. Vì vậy, nếu chỉ tìm được lương 8 triệu, 5 triệu, các em sẽ thất vọng về bản thân, than thở, bế tắc v.v…

Rất rất nhiều video trên tiktok khiến các bạn càng tự ti về bản thân hơn sau khi xem.

Vì vậy, vấn đề cần làm nhất với Gen Z bây giờ là bản thân các bạn hãy chú trọng vào nuôi dưỡng một tâm hồn và một cơ thể khỏe mạnh cho chính mình. Hai cái này quan hệ mật thiết với nhau nhé. Một cái yếu sẽ kéo cái còn lại yếu theo, kết quả là bạn không làm được cái gì cả.

Còn làm thế nào để nuôi dưỡng một tâm hồn khỏe mạnh ư? Một cách dễ dàng nhất là đừng đọc Self help nữa nhé. Còn lại, sẽ là một quá trình các bạn trải nghiệm – vấp ngã – đau đớn – rút kinh nghiệm – trưởng thành. Hãy học cách làm quen và chấp nhận nó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *