Rất nhiều lần mình nhận được câu hỏi từ sinh viên, rằng: “Làm thế nào để lúc nào cũng tràn đầy năng lượng như cô?”
Thật ra các bạn nghĩ vậy do theo dõi facebook của mình. Facebook của mình được quy hoạch để luôn luôn mang lại tâm trạng tươi vui tích cực cho những người theo dõi. Vì vậy, mình có 3 nguyên tắc khi đăng bài lên facebook: 1) Không đăng hoặc chia sẻ những nội dung u ám (chửi nhau, công kích nhau, phê bình nhau, chê bai nhau, nói xấu nhau v.v…); 2) Không đăng hoặc chia sẻ những nội dung không mang lại giá trị (ví dụ: không bao giờ chia sẻ ảnh trai đẹp gái xinh … chỉ vì họ xinh đẹp); 3) Nếu hôm đó tâm trạng không tốt, thì sẽ không đăng gì cả.
Vì vậy, những gì bạn nhìn thấy trên facebook của mình chưa chắc đã phản ánh đúng tâm trạng thật của mình. Là con người, mình cũng có lúc tụt tâm trạng đến tận đáy. Như lúc mình đang ngồi viết bài này đây. Tâm trạng lúc này thực sự đạt đến độ âm luôn.
Vậy lúc này mình nên làm gì?
- HIỂU RÕ SƠ ĐỒ CẢM XÚC
Tâm trạng của chúng ta tuân theo đồ thị hình Sin, có lên có xuống, nhưng tùy từng người mà độ dao động khác nhau. Ví dụ, có những người lên không cao lắm, xuống cũng không sâu lắm, do họ có khả năng điều phối cảm xúc tốt, không dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài. Nhưng cũng có những người lúc vui thì tâm trạng lên rất cao, nhưng lúc buồn thì tâm trạng xuống rất thấp. Có những người mà thời gian buồn của họ ngắn, có những người mà thời gian buồn của họ dài. Không ai giống ai.
Chỉ có một điểm chung đó là: Ai cũng sẽ có những lúc buồn.
Vì vậy, khi bạn buồn, chán nản, không muốn làm một việc gì cả, chỉ muốn đóng cửa ở trong phòng 1 mình, nằm đọc sách, nghe nhạc, hoặc đơn giản là ngủ …. thì đó là một việc hết sức bình thường.
Chỉ có điều, chúng ta phải học cách điều phối để làm sao cho tâm trạng chán nản của mình không ảnh hưởng đến những người thân khác trong gia đình, không ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ xã hội của mình. Điều này thực sự cần phải học …. Vì nó rất quan trọng.
2. TÔN TRỌNG CẢM XÚC CỦA MÌNH
Đừng cho rằng mình như vậy là kém cỏi, là không có năng lực, là thua người khác. Không phải vậy đâu. Người khác cũng có thể họ đang tụt tâm trạng không kém gì mình, chỉ có điều họ không nói ra thôi.
Vì vậy việc cần làm đầu tiên là: Hãy coi đó là một phần của cuộc sống, chấp nhận nó, tôn trọng nó. Và tìm cách để biến nó thành một cái rất bình thường trong cuộc sống của mình.
Và có 1 điều rất quan trọng nữa là: Đừng trầm trọng hóa vấn đề của mình. Kiểu tỏ ra cho người khác biết rằng: Tớ đang tụt cảm xúc đấy, các bạn có nhiệm vụ phải giúp đỡ tớ, an ủi tớ.
Không đâu. Không ai trên đời này có nhiệm vụ phải lo lắng cho cảm xúc của người khác, vì chúng ta là những cá thể riêng biệt. Hãy học cách tự đối diện với cảm xúc của mình.
3. TÌM NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐỂ BÌNH ỔN CẢM XÚC
Mỗi người sẽ có những phương pháp cụ thể khác nhau. Nhưng nguyên tắc là: Khi cảm xúc đang dao động thì hãy tránh xa những tác nhân khiến mình càng dao động hơn.
Ví dụ: đang mệt mỏi chán nản, không muốn nói chuyện cùng ai, nhưng lại đi bar uống rượu và nghe nhạc sôi động. Trong lúc nghe nhạc, bạn sẽ tạm thời quên đi là bạn đang buồn chán. Nhưng khi trở về nhà với cơ thể mệt rã rời, ngủ đến trưa hôm sau, bạn sẽ lại chán nản ngay sau khi thức dậy thôi, vì âm nhạc và nồng độ cồn tối hôm trước càng làm tăng thêm sự bất ổn của bạn.
Những yếu tố khiến chúng ta bị stress và tụt cảm xúc:
- Rượu, chất kích thích
- Đường
- Thiếu ngủ
- Suy nghĩ nhiều
- Làm việc quá sức
- Những con người độc hại
Vì vậy, hãy tránh xa những yếu tố đấy bằng cách:
- Chọn đồ uống không cồn, không đường để khởi đầu ngày mới. Một tách cà phê hoặc một tách trà ấm, không đường, là sự lựa chọn tốt nhất.
- Chọn một bản nhạc nhẹ nhàng buổi sáng sớm để tâm lý trở về trạng thái cân bằng. Một bài nhạc Jazz là một lựa chọn tốt. Đừng nghe nhạc EDM, Chill buồn vào buổi sáng. Nó sẽ phá nát tâm trạng của bạn đấy.
- Tập thể thao. Đây là một phương pháp tuyệt vời. Vì trong quá trình tập luyện, cơ thể sẽ sản sinh ra hormone dopamine, giúp cải thiện cảm xúc, khiến chúng ta vui vẻ và tích cực hơn.
- Đảm bảo ngủ 7-8 tiếng một ngày. Nếu như bạn thức khuya để làm việc giai đoạn cuối dự án hay để hoàn thành báo cáo cuối kì, thì cái này có thể chấp nhận, vì nó không mang tính lâu dài. Nhưng nếu ngày nào bạn cũng thức khuya để tâm sự với bạn bè, xem phim, hoặc đơn giản …. chả làm gì cũng thức khuya … thì nên dừng lại ngay. Hãy đi ngủ vào lúc 23h và thức giấc vào 6-7h sáng hôm sau.
- Đang buồn thì không nên cố làm việc. Hãy cho mình 1-2 tiếng thư giãn trong ngày, để không làm gì cả, để không suy nghĩ gì cả, chỉ ngồi ngẩn ngơ thôi. Đấy cũng là việc tốt.
- Đừng tiếp xúc với những người độc hại, họ sẽ rút cạn năng lượng của bạn.
Nhiều khi chúng ta cứ hoài nghi về khả năng của bản thân, cho rằng mình kém cỏi. Nhưng thật ra có nhiều lúc, chấp nhận sự kém cỏi của bản thân cũng là một cách để chữa lành.
Chấp nhận kém cỏi để chúng ta bình tâm lại, chứ không phải để chúng ta tự ti vì thua kém người khác.
Để rồi sau đó, mình biết được những ưu điểm khác của bản thân, để rồi lại đứng lên và rực rỡ chói lòa hơn bao giờ hết.