Hầu hết chúng ta có lẽ chỉ biết đến ngôn ngữ với tư cách là một công cụ để giao tiếp hàng ngày. Ngôn ngữ tồn tại xung quanh chúng ta như một lẽ đương nhiên, chúng ta lớn lên cùng nó, sống cùng nó, cảm thấy nó là thứ vô cùng bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng trên thực tế, tác dụng của ngôn ngữ lại nhiều hơn như vậy. Hôm nay sẽ cung cấp cho các bạn một số thông tin về mối liên quan giữa ngôn ngữ, bộ não, và sự sáng tạo của con người. Ba thành phần này liên kết với nhau theo một cách rất kì diệu.

Đầu tiên, hãy xem Ngôn ngữ và Bộ não có mối liên hệ gì với nhau.

Chúng ta hãy bắt đầu với một nghiên cứu về khoa học thần kinh. Người ta đã làm những khảo sát với hai nhóm người: nhóm có tiếng mẹ đẻ là tiếng Đức và nhóm có tiếng mẹ đẻ là tiếng Ả Rập.

Người ta phân tích và thấy cơ chế hoạt động của bộ não khi người ta nói tiếng Đức và tiếng Ả Rập là khác nhau. Tiếng Đức là thứ tiếng coi trọng cú pháp, cấu trúc, bộ não khi đó dùng bán cầu não trái để xử lý thông tin nhiều hơn. Tiếng Ả Rập là thứ tiếng coi trọng ngữ cảnh, suy luận, bộ não khi đó cần liên kết cả bán cầu não trái và bán cầu não phải để xử lý thông tin. (Các bạn xem các liên kết của bộ não được thể hiện rõ nét ở hình bên trên).

Tuy nhiên cần lưu ý là: Nghiên cứu này không thể giúp chúng ta so sánh xem người Đức hay người Ả Rập thông minh hơn, mà chủ yếu là giúp chúng ta hiểu rõ cơ chế vận hành của bộ não khi chúng ta tiếp nhận và sử dụng ngôn ngữ.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, nếu muốn não của trẻ nhỏ được kích hoạt tối đa, thì nên cho trẻ học thêm 1 ngôn ngữ nữa ngoài tiếng mẹ đẻ. Nói đến đây thì lại liên kết với các loại hình ngôn ngữ trên thế giới.

Theo kiến thức mình được học từ đại học (giờ có thể đã khác, cái này mình chưa được cập nhật), thì có 4 loại hình ngôn ngữ trên thế giới: đơn lập, hòa kết, chắp dính, hỗn nhập. Mỗi loại hình ngôn ngữ có đặc điểm khác nhau về thanh điệu, từ vựng, ngữ pháp, ngữ điệu v.v… Vì vậy, nếu trẻ Việt (đang nói tiếng Việt, loại hình ngôn ngữ đơn lập) học tiếng Anh (loại hình ngôn ngữ hòa kết) và tiếng Hàn (loại hình ngôn ngữ chắp dính), thì nhiều-khả-năng não của trẻ sẽ được kích hoạt nhiều phần hơn trẻ chỉ nói 1 thứ tiếng.

Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu về não ở bên trên, muốn não trẻ được kích hoạt tối đa, thì trẻ nên sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Chứ nếu trẻ chỉ biết một vài câu thông thường và cơ bản, thì bộ não sẽ không hoạt động được tối đa.

Thứ hai, vậy Ngôn ngữ và Bộ não có liên quan gì đến Sự Sáng tạo?

Một nghiên cứu khác cho thấy, trẻ nhỏ song ngữ, đa ngữ (tức là nói được từ hai thứ tiếng trở lên) sẽ có sức sáng tạo nhiều hơn. Đó là vì bộ não sẽ vận hành theo mô hình phát triển như sau: Biết nói nhiều thứ tiếng –> tức là trẻ sẽ được tiếp nhận nhiều văn hóa khác nhau –> khiến bộ óc càng mở hơn –> bộ óc càng linh hoạt hơn –> sức sáng tạo càng được phát huy hơn.

Tuy nhiên trên thực tế, có những trẻ nhỏ nói được nhiều thứ tiếng, nhưng sức sáng tạo lại không cao. Đó là do trẻ em đó thiếu môi trường để nuôi dưỡng, vun đắp cho sức sáng tạo. Ví dụ điển hình là trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Một em nói được 2-3 thậm chí 4 thứ tiếng, nhưng do thiếu điều kiện để phát triển, nên khi vào đại học, các em ấy vẫn ngại ngùng, sức sáng tạo không được kích hoạt và phát huy.

Ngoài ra còn có lý do về vị thế của ngôn ngữ nữa. Tuy nhiên cái này không bàn tới, vì nó phức tạp.

Câu hỏi thứ ba là: Vậy có phải là càng học nhiều thứ tiếng, sức sáng tạo của trẻ em sẽ càng cao hay không?

Một nghiên cứu khác đã thực hiện đánh giá trên nhóm trẻ em được quan sát và họ thấy rằng, sức sáng tạo ở nhóm trẻ nói được 2 thứ tiếng là cao nhất, và giảm dần đối với nhóm trẻ nói được 3-4 thứ tiếng.

Vậy nên, chưa chắc học nhiều ngoại ngữ đã là tốt cho sức sáng tạo của trẻ. Trẻ nói thành thạo tiếng mẹ đẻ + một ngôn ngữ nữa = điều kiện lí tưởng để kích hoạt bộ não và sức sáng tạo.

Câu hỏi cuối cùng, cũng là vấn đề được bố mẹ quan tâm nhất: Khi cho con học ngoại ngữ thì có sợ con bị lẫn nhiều thứ tiếng với nhau hay không?

Câu trả lời là KHÔNG trong trường hợp chúng ta tạo lập môi trường riêng biệt đối với từng thứ tiếng. Tức là có quy ước trong nội bộ gia đình hoặc trong cộng đồng nhỏ, rằng ở chỗ nào thì sẽ nói thứ tiếng nào. Khi đó não trẻ sẽ xử lý, và tạo nên một phản xạ vô điều kiện. Mình đã từng gặp nhiều đứa trẻ khi đến trường thì tự dưng có phản xạ nói tiếng nước ngoài, về đến nhà là tự dưng có phản xạ nói tiếng Việt. Hoặc khi có bố là người nước ngoài, trẻ sẽ có phản xạ nói tiếng nước ngoài với bố, nói tiếng Việt với mẹ.

Thực tế là vẫn có trường hợp trẻ bị lẫn nhiều thứ tiếng với nhau, tuy nhiên, đấy rất có thể là môi trường tốt để trẻ tạo nên những sáng tạo về ngôn ngữ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *