Đây là kinh nghiệm của cá nhân mình thôi nhé. Tuỳ từng đứa trẻ và hoàn cảnh môi trường mà bố mẹ sẽ có cách giáo dục khác nhau. Bạn nào thấy hợp lý thì có thể tham khảo, bạn nào thấy không hợp lí thì cũng đừng buông lời cay đắng nhé he he …..
Trong post này mình chỉ viết về rèn nếp học thôi nhé, còn việc cho con học gì lại là vấn đề khác, mình sẽ bàn trong post khác nha.
1. Tại sao phải rèn nếp học cho con?
Phải rèn quá đi chứ. Chương trình tiểu học của chúng ta nặng, trẻ con phải dậy sớm đi học, lượng bài tập nhiều. Nếu không rèn thành nếp học, việc con bị stress do không thể hoàn thành hết bài tập, bị mệt mỏi do không theo kịp được tốc độ học trên lớp, bị chểnh mảng học hành, bị lười học … là rất dễ xảy ra.
Mình không quan niệm con phải học giỏi, con phải điểm cao. Nhưng mình rất chú trọng vào việc làm sao để con có 1 nếp sinh hoạt ổn định, và tự biết cách sắp xếp thời gian của mình.
2. Nên rèn nếp học từ khi nào?
Nhiều bố mẹ nghĩ rằng con còn bé thì biết gì, chưa cần rèn, bao giờ nó chuẩn bị vào lớp 1 thì mới phải rèn chứ. Nhưng thực ra, để đến khi vào lớp 1 thì đã muộn rồi các bạn ạ.
Cá nhân mình, mình rèn nếp học cho con từ 6 tháng. Nghe có vẻ rất giống kiểu dạy con thành thiên tài nhỉ hihi. Nhưng hãy khoan nghĩ vậy, các bạn cứ đọc tiếp đã nhé.
Việc rèn nếp học cho con, quan trọng nhất là rèn THÓI QUEN. Và thói quen này rèn càng sớm càng tốt.
3. Giúp con hình thành THÓI QUEN như thế nào?
Trước khi con mình 12 tháng, mình đã dạy học cho con, nhưng không theo thời gian cố định. Sau khi con tròn 1 tuổi, hàng ngày, cứ sau khi ăn cơm tối xong, khoảng 7 rưỡi 8 giờ tối, mình sẽ lấy sách ra và 2 mẹ con học bài.
Thực ra, lúc đầu làm như vậy, mình cũng không quá quan trọng vào kết quả đạt được đâu. Nhưng 1 buổi tối khi con khoảng 1 tuổi rưỡi gì đó, mẹ bận quên mất không bảo con đi học, thế là con tự cầm quyển sách chạy lại chỗ mẹ, rồi nói giọng ngọng ngịu kiểu em bé: ” Mẹ ơi, học bài”. Lúc đấy yêu không thể tả ý các bạn ạ. Và từ lúc đấy, mình thấy mình cần phải duy trì thói quen này cho con.
4. Lưu ý trong việc hình thành thói quen
4.1. Quan trọng nhất, bố mẹ phải là người đồng hành với con.
Trẻ em được rèn, nhưng 1 mình em bé không thể tự mình hình thành thói quen, em bé quá nhỏ mà. Bố mẹ phải đồng hành cùng con.
Ở giai đoạn đầu, bố mẹ dạy con, làm giáo viên của con.
Sau đấy, đến tầm con 3-4 tuổi, bố mẹ là người đồng hành cùng con, tức là không kèm sát con nữa, để con tự kiểm soát việc học của mình. Giai đoạn này trẻ vẫn ham chơi, nhanh chán học lắm. Nếu vắng bố mẹ mà trẻ không muốn tự học nữa,bỏ đi chơi cái khác, thì hãy cứ kệ nhé, đừng áp lực quá, đừng nghĩ em bé lười. Em bé không lười đâu, chỉ là em bé chưa quen thôi. Quan trọng là tối hôm sau bố mẹ tiếp tục gợi ý em học, và không gây áp lực cho em.
Đến khoảng 4-5 tuổi, như em bé nhà mình, là trẻ đã có thể tự kiểm soát việc học khá tốt. Lúc này mình ngồi làm việc cạnh em bé, và giao hẹn rằng: ” Con học bài và mẹ làm việc. Mỗi người để yên cho người kia làm việc của mình nhé”. Nhìn thẳng vào mắt con và nói như vậy. Khi đó bé sẽ hiểu được rằng bé không nên quấy rầy người khác khi họ làm việc, đồng thời, người khác cũng không nên quấy rầy bé. Điều này sẽ giúp rèn được sự độc lập ở trẻ. Nhưng nói thế thôi, nhiều khi nàng học 1 mình buồn quá, vẫn kéo mẹ ra học cùng. Khi đó, mẹ đừng cứng nhắc quá, hãy ra học cùng con nhé. Con muốn mẹ học cùng tức là con yêu quý mẹ, và muốn mẹ ở cạnh con. Làm cha mẹ, hạnh phúc nhất là như vậy, đúng không các bạn.
4.2. Bố mẹ đừng nản chí
Nhiều bố mẹ thấy con học 1 2 buổi có vẻ chểnh mảng, ham chơi ( tình trạng thường xuyên xảy ra với các bé trai hiếu động), thì lại nhụt chí, bảo: Ôi nó nghịch lắm, không rèn được.
Thực ra, đều có thể rèn đấy các bạn ạ. Chỉ là bố mẹ nản chí trước thôi hihi. Bé mải chơi, không sao, để bé chơi. Nhưng tối hôm sau nhất định phải lặp lại việc học. Mỗi tối bé chỉ ngôi học 5 phút là được rồi. Nhưng tối nào cũng vậy, thì từ 5 phút sẽ lên 10 phút, 20 phút. Việc này không vội được các bạn ạ. Chỉ cần bố mẹ nhớ: phải lặp lại hàng ngày, hàng ngày, hàng ngày, hàng ngày …. , và hôm sau cổ vũ bé học lâu hơn hôm trước 1 tí, thì chắc chắn ít nhiều cũng sẽ có kết quả.
4.3. Đừng đặt mục tiêu quá cao
Trẻ em không giống nhau, mỗi đứa một tính cách. Và sức tập trung của trẻ em cũng không thể bằng người lớn. Bố mẹ hãy coi việc rèn thói quen trước khi con vào lớp 1 là một cuộc dạo chơi, không cần đặt mục tiêu gì cả. Nếu cứ nhất quyết: ” Hôm qua nó không học tí gì, tối nay nhất định phải bắt nó học đủ 20 phút”, Hoặc ” tuần trước đã học xong màu sắc rồi, tuần này mục tiêu là học xong hình khối” v.v… thì sẽ mệt mỏi lắm các bạn ạ. Mệt bố mẹ, vì cảm thấy con mình không được như kỳ vọng. Mệt em bé, vì bị ép làm việc quá khả năng. Bố mẹ hãy tự thả lỏng bản thân, đừng gây áp lực cho con, để rồi tự dưng khiến con chán ghét việc học.
4.4. Bố mẹ hãy đa dạng hoá nội dung học của con, để con không thấy nhàm chán.
Đối với mình, ” học” là hoạt động giúp con hoàn thiện kỹ năng, chứ ko phải học chữ. Vì vậy, nội dung học của bạn bé nhà mình khá đa dạng, bao gồm:
– Mẹ ơi đọc truyện cho con, con thích đọc truyện này ( vừa nói vừa cầm quyển sách đưa mẹ)
– Cắt giấy ( rèn luyện độ linh hoạt khéo léo của bàn tay). 3 tuổi mình đã cho bạn ấy cầm kéo cắt giấy rồi. Tất nhiên có sự giám sát của bố mẹ
– Vẽ và tô màu
– Múa.
– Học chữ ( cái này đúng là học chữ cái luôn đấy)
– Xếp hình
v.v….
Đọc đến đây, có thể sẽ có bạn thắc mắc là: nếu rèn được thói quen, mà vào lớp 1, con vẫn học kém thì sao? Đối với mình, không có chuyện con học kém. Con chỉ kém 1 mặt nào đó thôi, nhưng chắc chắn sẽ có mặt con làm tốt hơn các bạn khác. Và bố mẹ nên là người theo sát con, để biết em bé của mình mạnh ở mặt nào nhé.
Trên đây là nội dung mà mình tạm khái quát lại nhé, Nếu nghĩ thêm gì mình sẽ bổ sung sau.
Cuối bài, mình chỉ muốn nhấn mạnh 1 lần nữa quan điểm của mình:
– Tất cả phải căn cứ vào tính cách, khả năng của con. Bố mẹ đừng ép con phát triển theo ý muốn của bố mẹ.
– Kết quả học tập không quan trọng.Hình thành THÓI QUEN quan trọng hơn.
– Mọi thói quen nên được hình thành từ sớm, đừng để đến khi em bé lớn rồi mới rèn.
Vậy nha. Chắc bài sau mình sẽ viết về việc nên dạy con học những thứ gì kiki