Ngày xưa, khi khoa học công nghệ chưa phát triển, con người khi giao tiếp với nhau thường nói trực tiếp, hoặc viết thư. Người ta gọi đấy là giao tiếp Người – Người. Ngôn ngữ được truyền từ người nọ đến người kia một cách trực tiếp, không qua xử lý.

Khi khoa học phát triển hơn, con người dùng điện thoại, điện đàm để giao tiếp v.v…. Họ nhấc điện thoại gọi cho nhau, họ đánh điện cho nhau v.v… Người ta gọi đấy là giao tiếp Người – Máy – Người. Trong đó, máy đóng vai trò trung gian, truyền tiếng nói và chữ viết từ người này sang người kia.

Khi khoa học lại phát triển thêm nhiều tí nữa, mạng xã hội phổ biến, thì công cụ tham gia vào quá trình giao tiếp của con người không chỉ bó gọn vào 1 cái máy điện thoại chỉ có chức năng nghe gọi nữa. Lúc này, mô hình giao tiếp vẫn là Người – Máy – Người. Nhưng “Máy” ở đây sẽ là những chiếc máy vi tính được nối mạng, những chiếc điện thoại thông minh có thể xem video hoặc lướt web ở khắp mọi nơi (với sự hỗ trợ của 3G – đương nhiên)

(Dẫn quan điểm của giáo sư Lý Vũ Minh – Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh về 3 giai đoạn trong giao tiếp)

Và ở giai đoạn thứ 3 này, có thể nói ngôn ngữ được truyền từ người nói đến người nghe không phải là ngôn ngữ thô như ở giai đoạn 1 và 2 nữa, mà nó là thứ ngôn ngữ đã được qua xử lý.

Thứ được xử lý đầu tiên là về chính tả. Với nhu cầu nhắn tin nhanh gọn, và với đặc tính giao tiếp không cần quá chỉn chu về hình thức khi phải nói chuyện online, người ta đã giảm thiểu tối đa lượng chữ phải đánh ra.

Ví dụ trong tiếng Việt: giờ đây những chữ như k=không, e=em, a=anh, eya=”em yêu anh” đã quá thông dụng, và cư dân mạng hầu hết đều có thể hiểu.

Ví dụ trong tiếng Trung Quốc: người ta phải dùng pinyin đánh vào máy, mới hiện ra chữ Hán. Để nhanh gọn nhẹ, các bạn trẻ cũng giảm thiểu số lượng chữ phải đánh ra. Ví dụ khi giao tiếp online, sẽ dễ nhận thấy các từ như 滋瓷 thay cho 支持, vì 滋瓷 chỉ cần nhập vào 4 kí tự (zici) thay cho việc nhập 6 kí tự (zhichi) của 支持.

Thứ 2 là sự xử lí về mặt từ ngữ. Cái này một phần thể hiện sự sáng tạo của người tham gia giao tiếp, một phần cũng là hệ quả của cái thứ 1.

Ví dụ trong tiếng Việt: “gấu”, “thính” v.v… hẳn cũng đã quá quen thuộc với cư dân mạng.

Ví dụ trong tiếng Trung Quốc: hầu hết cái từ 同学khi nói chuyện đã được thay bằng 同鞋

Thứ 3: Là sự xử lí về cách diễn đạt, ở phạm vi cụm từ và câu.

Thể hiện ở việc ra đời những cụm từ mới, các cách so sánh, diễn đạt mới. Ví dụ trong tiếng Việt: “tâm bất thính giữa dòng đời vạn thính”; “cái mũi của anh ấy còn thẳng hơn cả giới tính của tao”, “chất hơn nước cất” v.v…

Ví dụ trong tiếng Trung Quốc: “扎心了,老铁!” (đau lòng rồi hả anh bạn?)

Thứ 4: là sự thay đổi về môi trường giao tiếp.

Nếu giao tiếp Người – Người đòi hỏi môi trường giao tiếp thực tế, thì giao tiếp Người – Máy – Người hiện nay đang là môi trường giao tiếp ảo.

Do tính chất ảo nên xuất hiện những vấn đề ngôn ngữ mới như:

  • Bạo hành ngôn ngữ trên không gian ảo.
  • Sự thiếu quy chuẩn về ngôn ngữ (cách viết, cách diễn đạt) khi giao tiếp trên không gian ảo.
  • …….

Thứ 5: sự thay đổi về thái độ giao tiếp

Ở môi trường giao tiếp thực tế, người nói và người nghe nhận diện được nhau, ngôn ngữ được sử dụng trong giao tiếp sẽ được lựa chọn kĩ càng hơn, hai bên sẽ thận trọng hơn trong lời nói của mình. Thông thường trong trường hợp này, tốc độ sáng tạo những từ ngữ mới sẽ diễn ra chậm hơn.

Ở môi trường giao tiếp ảo, hai bên giao tiếp hoàn toàn có thể ẩn đi danh tính của mình, ranh giới giữa tuổi tác, địa vị, nghề nghiệp, học vấn v.v… bị xóa nhòa. Vì vậy hai bên giao tiếp cởi mở thoải mái hơn. Và có nhiều trường hợp, cả hai người đều giao tiếp rất tốt ở môi trường ảo, nhưng khi gặp nhau ở môi trường thực tế, họ lại “khớp”, không thể giao tiếp tốt như môi trường ảo. 

Anh hùng bàn phím ở thế giới ảo chưa chắc đã là anh hùng giao tiếp ở thế giới thật.

Và do dễ dàng bộc lộ cá tính cá nhân, nên môi trường giao tiếp ảo  là “đất lành” để sản sinh ra những từ ngữ mới được giới trẻ sử dụng.

Hiện nay, ở những quốc gia có khoa học công nghệ phát triển nhanh, như Việt Nam hay Trung Quốc, việc người trẻ tuổi thông qua Máy để giao tiếp rất phổ biến, từ đó cũng đã thay đổi đời sống ngôn ngữ của giới trẻ. Họ có nhiều nơi để giao tiếp hơn (các mạng xã hội, các diễn đàn). Đồng thời, tính chất của những giao tiếp này là không chính quy, được thực hiện bởi những người có đầu óc sáng tạo rất cao, nên nó đang phát triển rất đa dạng và nhiều màu sắc.

Viết ngày 7/3/2019 tại Bắc Kinh
(vui lòng dẫn nguồn khi chia sẻ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *